Sáng 14/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì hội nghị tổng kết năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025 của ngành.
Tại hội nghị, ông Ngô Lâm – Chánh văn phòng Bộ Xây dựng thông tin, tăng trưởng của ngành xây dựng năm 2024 khả quan, ước thực hiện đạt khoảng 7,8-8,2%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 là 6,4-7,3%; tăng so với mức 7,3-7,75% của năm 2023.
Đây cũng là kết quả cao nhất mà ngành xây dựng đạt được kể từ năm 2020 đến nay và trở thành động lực dẫn dắt cho tăng trưởng GDP chung của nền kinh tế. Cùng đó, tỷ lệ đô thị hóa đạt 44,3%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 43,7%. Tăng trưởng và tỷ lệ đô thị hóa cũng là 2 chỉ tiêu mà Bộ Xây dựng hoàn thành vượt kế hoạch theo Chương trình thực hiện Nghị quyết 01.
Ngay từ đầu năm 2024, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Xây dựng với nhiều cách làm sáng tạo, chỉ rõ các mục tiêu, công việc ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm. Các đơn vị trong Bộ chủ động xây dựng kế hoạch năm và nhanh chóng triển khai, theo đó đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Công tác hoàn thiện thể chế được quan tâm đặc biệt và là điểm sáng, thể hiện sự quyết tâm, đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành của Bộ Xây dựng. Nổi bật là việc đã được Quốc hội XV thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn tại Kỳ họp thứ 8; được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 đối với 2 dự án Luật (Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Cấp, thoát nước), dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025), thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Cùng đó, khi các Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực sớm từ 1/8/2024, Bộ Xây dựng đã khẩn trương, kịp thời trình Chính phủ ban hành 5 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật Đất đai, ông Ngô Lâm cho biết.
Với trách nhiệm Thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã cùng Chính phủ thực hiện giải trình chất vấn trước Quốc hội về các vấn đề trọng tâm, được xã hội quan tâm và các vấn đề “nóng” trong các lĩnh vực của ngành xây dựng.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã chủ trì Đoàn công tác làm việc với 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Tiền Giang về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng, hạ tầng, nhà ở và xuất nhập khẩu trên địa bàn và có báo cáo Thủ tướng Chính phủ; trả lời khoảng 110 lượt kiến nghị của các địa phương gửi đến các đoàn công tác theo Quyết định số 435/QĐ-TTg phân công Thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.
Năm 2024, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, doanh nghiệp, nhờ đó thị trường bất động sản đã có những chuyển biến tích cực, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Đến nay, thị trường bất động sản cơ bản đã tăng trưởng về mức độ quan tâm, tìm kiếm thông tin về bất động sản của khách hàng, nhà đầu tư; lượng giao dịch đối với loại hình căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền có xu hướng tăng.
Nguồn cung bất động sản sau một thời gian còn hạn chế đang có dấu hiệu chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Lãi suất ngân hàng được điều chỉnh giảm, các chủ đầu tư đưa ra nhiều chính sách có lợi cho người mua nhà cũng giúp gia tăng niềm tin khách hàng, thanh khoản trên thị trường.
Bộ Xây dựng đã chủ động đề xuất nhiều giải pháp để nỗ lực đẩy mạnh Đề án đầu tư ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030; trong đó, đã tham mưu lãnh đạo Chính phủ tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp để chỉ đạo triển khai, giải quyết khó khăn vướng mắc, giao chỉ tiêu cho từng địa phương thực hiện. Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 622 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 565.177 căn.
Tập trung triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch, tổ chức thẩm định phân loại đô thị và tăng cường quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Trong năm 2024, Bộ Xây dựng đã tích cực triển khai các thủ tục và đảm bảo sắp xếp 22 đơn vị hành chính là thành phố, thị xã; 59 thị trấn trên phạm vi 5 tỉnh, thành phố được đề nghị sắp xếp đáp ứng mục tiêu và kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn cho công trình trọng điểm quốc gia, tình trạng thiếu hụt vật liệu xây dựng, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng, xử lý các vấn đề về phòng cháy chữa cháy.
Bộ Xây dựng cũng thẳng thắn chỉ ra các hạn chế và thách thức trong thời gian tới. Dự báo, đà tăng trưởng kinh tế trong nước vẫn duy trì tích cực nhưng trong thời cơ, thuận lợi cũng có khó khăn, thách thức đan xen.
Ngành xây dựng tuy đã đạt được một số chuyển biến tích cực trong những năm qua nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong nội tại như năng suất lao động thấp hơn so với nhiều ngành kinh tế. Các vấn đề tồn đọng, tích tụ nhiều năm ngày càng khó giải quyết do tác động chung từ nền kinh tế trong và ngoài nước...
Mặc dù xác định tăng trưởng ngành năm 2024 là động lực chính cho tăng trưởng chung của nền kinh tế nhưng cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của thị trường bất động sản, tiến độ tháo gỡ vướng mắc, triển khai các dự án đầu tư công; hệ thống văn bản pháp lý vẫn chậm so với yêu cầu...
Trong khi đó, hệ thống định mức, đơn giá, tiêu chuẩn, quy chuẩn còn chậm hoàn thiện, chưa theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ và yêu cầu thực tiễn. Công tác thẩm định dự án, thiết kế, dự toán còn nhiều hồ sơ chưa đảm bảo thời gian quy định; hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát về đầu tư xây dựng, quản lý quy hoạch, kiến trúc còn hạn chế.
Việc kiểm soát quy trình điều chỉnh quy hoạch xây dựng cục bộ tại một số địa phương chưa chặt chẽ; quản lý đô thị có nơi còn chưa chuyên nghiệp nên chưa phát huy và khai thác tốt các nguồn lực của chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị.
Thị trường bất động sản tuy đã có nhiều tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc; không hoàn thành chỉ tiêu 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2024; tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn ra phổ biến; hoạt động của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp vật liệu xây dựng và bất động sản vẫn tiếp tục đối mặt tình trạng thiếu hụt dòng tiền, thua lỗ…
Năm 2025, Bộ Xây dựng xác định là năm cuối để toàn ngành xây dựng quyết tâm tăng tốc, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, hòa mình vào tâm thế tự tin của đất nước, Đảng, Chính phủ bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.