Nổi bật tuần qua: Phát động chương trình ‘Mái ấm cho đồng bào tôi’; Đầu tư đường sắt tốc độ cao 350 km/giờ
06/10/2024 17:20
Tuần từ 30/9-6/10, trong nước diễn ra một số sự kiện nổi bật như: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, Pháp; Phát động chương trình “Mái ấm cho đồng bào tôi”; Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật các Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ, Tuyên Quang; Đường sắt tốc độ cao tạo tiền đề đưa Việt Nam thành nước phát triển; Tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, Pháp
Nhận lời mời của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh, Tổng thống Ireland Michael D. Higgins và Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, từ ngày 30/9 – 7/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm Cộng hòa Pháp.
Trong chuyến thăm Mông Cổ từ ngày 30/9-1/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã ghi lưu bút sổ “Khách danh dự” tại Cung Nhà nước Mông Cổ: “Việt Nam - Mông Cổ đã đi qua chặng đường 70 năm với những thành tựu hợp tác phát triển quan trọng. Tiếp đó, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội đàm, cùng tuyên bố nâng tầm quan hệ hai nước lên Đối tác toàn diện, mở ra thời kỳ hợp tác phát triển mới thực chất, hiệu quả, lâu dài, vì cuộc sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân hai nước và chứng kiến Lễ ký các văn kiện hợp tác. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng dã hội kiến Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Dashzegviin Amarbayasgalan; hội kiến Thủ tướng Mông Cổ. Nhân dịp này, Việt Nam - Mông Cổ đã ra Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện.
Từ ngày 1-3/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cấp Nhà nước tới Ireland. Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1996. Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội đàm với Tổng thống Ireland Michael D. Higgins, chứng kiến Lễ trao các văn kiện hợp tác giữa Việt Nam – Ireland trên nhiều lĩnh vực. Tiếp đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội kiến Thủ tướng Ireland Simon Harris, nhân dịp này, hai bên ra Tuyên bố chung về thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-Ireland lên một tầm cao mới, định hướng hợp tác trên các lĩnh vực chính trị ngoại giao, an ninh, giáo dục đào tạo, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo... Sau đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp gỡ Chủ tịch Thượng viện và Phó Chủ tịch Hạ viện Ireland, đề nghị Quốc hội Ireland sớm thông qua Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho đầu tư song phương và thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) đối với thủy sản Việt Nam.
Từ ngày 3-7/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp, khẳng định vai trò của Việt Nam là thành viên chủ chốt của cộng đồng Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam tới Cộng hòa Pháp sau 22 năm, đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp đi vào chiều sâu; thúc đẩy hơn nữa hợp tác về thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ; giúp tăng cường hoạt động đối ngoại đảng, nhất là đối với Đảng Cộng sản Pháp, tăng cường ngoại giao nhân dân, qua đó thúc đẩy Chính phủ Pháp tiếp tục tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam tại Pháp sinh sống, học tập và làm việc ổn định. Tại lâu đài Villers-Cotterêts, Cộng hòa Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chủ trì lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự khai mạc Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 với chủ đề “Sáng tạo, Đổi mới và Khởi nghiệp bằng tiếng Pháp”...
Phát động chương trình “Mái ấm cho đồng bào tôi”
Trong tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Chương trình phát động và hưởng ứng 450 ngày xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi” do Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, trong những năm qua, hơn 1,7 triệu căn đã được xây mới và sửa chữa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, qua rà soát cả nước còn khoảng trên 400.000 căn nhà tạm, nhà dột nát, chưa đảm bảo hoặc thiếu hụt về chất lượng.
Thực hiện phong trào do Thủ tướng Chính phủ phát động, cả nước đang trong chiến dịch 450 ngày đêm cao điểm để xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, với mục tiêu hoàn thành cả 3 nhiệm vụ lớn: Hỗ trợ nhà ở cho người có công khó khăn về nhà ở với khoảng 200.000 căn nhà, bằng nguồn ngân sách Nhà nước; hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số theo các chương trình mục tiêu quốc gia, với khoảng 88.000 căn nhà; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân ngoài 2 nhóm hỗ trợ trên, với hơn 153.000 căn nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí tối thiểu để thực hiện là khoảng 6.500 tỷ đồng.
Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, từ nay đến hết năm 2025 chỉ còn khoảng 450 ngày đêm để hoàn thành mục tiêu xóa bỏ toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát; khối lượng công việc nhiều, đòi hỏi cả hệ thống chính trị quyết tâm, nỗ lực, thực hiện hiệu quả hơn. Thủ tướng kêu gọi cả hệ thống chính trị tiếp tục chung tay, chung sức, đồng lòng, tăng tốc, bứt phá hơn, với tinh thần “tương thân, tương ái”, “ai có gì giúp nấy, ai có của giúp của, ai có công giúp công, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít”, để không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tại chương trình, đại diện các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã trao kinh phí ủng hộ cho các địa phương còn khó khăn. Theo Ban Tổ chức, tổng số tiền huy động được khi kết thúc chương trình là 5.932 tỷ đồng, trong đó 3.287 tỷ đồng được huy động trong chương trình và 61 địa phương đã huy động được 2.645 tỷ đồng.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật các Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ, Tuyên Quang
Từ ngày 1-2/10 tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 48, xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh Tuyên Quang, do đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tổ chức thực hiện Gói thầu số 26 thuộc Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ (do Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An thực hiện).
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang nhiệm kỳ 2020-2025 và ông Chẩu Văn Lâm, nguyên lãnh đạo tỉnh; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Trần Viết Cương, Chủ tịch UBND TP Tuyên Quang; cảnh cáo Chi bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang nhiệm kỳ 2020-2025 và ông Hà Văn Sáng, Phó Giám đốc Ban Quản lý; khiển trách Ban cán sự đảng UBND tỉnh Tuyên Quang các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 và ông Hà Quốc Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Xây dựng.
Cũng tại kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ nhiệm kỳ 2010-2015 và các ông: Ngô Đức Vượng, Nguyễn Doãn Khánh, Hoàng Dân Mạc, nguyên lãnh đạo tỉnh; Lưu Quang Huy, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hạ Hòa và một số tổ chức đảng, đảng viên khác; cảnh cáo Ban cán sự đảng UBND tỉnh Phú Thọ nhiệm kỳ 2011-2016 do liên quan đến thực hiện dự án, gói thầu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng yêu cầu thi hành kỷ luật Đảng đoàn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam các nhiệm kỳ 2015-2020, 2016-2021 và các ông: Phạm Tấn Công, Hoàng Quang Phòng, Võ Tân Thành, Bùi Trung Nghĩa, lãnh đạo Đảng đoàn do vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng, ban hành, thực hiện các quy chế, quy định; công tác tổ chức, cán bộ; cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; quản lý, sử dụng đất, tài chính, tài sản; thực hiện các dự án đầu tư...
Đường sắt tốc độ cao tạo tiền đề đưa Việt Nam thành nước phát triển
Trong tuần qua, Bộ Giao thông vận tải đã họp thông tin chủ trương của Chính phủ về phương án đầu tư, đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam với tốc độ thiết kế 350 km/giờ vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận chuyển hàng hóa khi cần thiết; đồng ý có cơ chế, chính sách đặc thù đặc biệt để huy động nguồn lực hợp pháp triển khai, rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện.
Theo Bộ GTVT, yêu cầu đầu tư xây dựng vận tải đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam là yêu cầu cấp thiết để tạo động lực phát triển bền vững quốc gia, tạo tiền đề đưa Việt Nam thành nước phát triển, có thu nhập cao. Quá trình lập dự án, Bộ GTVT đã nghiên cứu 2 phương án đầu tư gồm: Phương án đầu tư toàn tuyến, cơ bản hoàn thành thành năm 2035 (đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP Hồ Chí Minh khởi công năm 2027, đoạn Vinh - Nha Trang khởi công năm 2028, hoàn thành xây dựng năm 2035) và phương án đầu tư phân kỳ 2 giai đoạn, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2040 (đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP Hồ Chí Minh khởi công năm 2027, hoàn thành xây dựng năm 2032; đoạn Vinh - Nha Trang khởi công năm 2033, hoàn thành xây dựng năm 2040).
Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam dài khoảng 1.541 km; đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa... có tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD, sẽ bố trí 23 ga hành khách với cự ly trung bình khoảng 67 km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa. Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh).
Tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II
Tuần qua, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa sơ thẩm giai đoạn II xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 33 đồng phạm về các tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Rửa tiền; Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2) tiếp tục phầnthẩm vấn các bị cáo.
Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan đồng ý tất cả các tài sản sẽ được ưu tiên thi hành cho các bị hại như Bản án giai đoạn 1 đã kết luận. Về nguồn tiền, nguồn tài sản để khắc phục hậu quả vụ án, bị cáo Lan cho biết sẽ sử dụng toàn bộ tài sản đã bị kê biên, thu giữ, nộp lại trong cả hai giai đoạn của vụ án. Về cách xử lý tài sản để khắc phục hậu quả, bị cáo đề nghị Cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo chức năng, thẩm quyền để sớm thu hồi tiền trả lại cho người bị hại.
Cũng trong phiên xét xử sơ thẩm, bị cáo Trương Mỹ Lan thừa nhận toàn bộ trách nhiệm về việc chuyển trái phép số tiền 4,5 tỷ USD ra nước ngoài và hứa dùng toàn bộ tài sản của bản thân để khắc phục hậu quả vụ án, trong đó có khoản thiệt hại của hơn 35.000 nhà đầu tư trái phiếu. Tính đến thời điểm hiện tại, số tiền nộp khắc phục hậu quả trong vụ án Vạn Thịnh Phát là 474 tỷ đồng.
Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã cảnh báo rằng lạm phát có thể dai dẳng hơn dự báo và họ sẽ phải hãm bớt tốc độ giảm lãi suất trong năm 2025...
Một loạt ngân hàng như VietinBank, Agribank, Vietcombank,… mở cửa giao dịch ngày cuối tuần phục vụ khách hàng cập nhật thông tin giấy tờ tuỳ thân và xác thực sinh trắc họ...
Theo quy định mới nhất của Bộ Công an, từ năm 2025, lái xe kinh doanh vận tải, xe ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên không lái xe quá 10 giờ/ ngày và quá 48 giờ/ tuần.
Bộ Công an mới ban hành Thông tư 83/2024/TT-BCA trong đó quy định, từ 1/1/2025 sẽ phân cấp quản lý, vận hành hệ thống giám sát giao thông theo các tuyến đường.
Carlo Ancelotti khẳng định vị thế của mình trong lịch sử Real Madrid khi dẫn dắt đội bóng giành chức vô địch Intercontinental Cup 2024 rạng sáng 19/12.