Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tăng trưởng trở lại; Đồng USD phục hồi so với hầu hết các đồng tiền mạnh khác; Xuất khẩu thủy sản Việt Nam lần đầu tiên chạm mốc 1 tỷ USD sau 27 tháng… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 2/11.
|
Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tăng trưởng trở lại (Ảnh minh họa) |
Giá vàng đồng loạt giảm
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 2/11, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 2736,4 USD/ounce, giảm 10,07 USD so với cùng thời điểm ngày 1/11.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 2/11, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP HCM ở mức 87,5-89,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 500.000 đồng ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 1/11.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 87,5-89,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 500.000 đồng ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 1/11.
Trong khi tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 87,5-89,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 500.000 đồng ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 1/11.
Đồng USD phục hồi so với hầu hết các đồng tiền mạnh khác
Đồng USD tăng giá so với đồng euro và phục hồi so với hầu hết các đồng tiền mạnh khác trong phiên 1/11, sau khi các nhà đầu tư đánh giá về số liệu mới công bố cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ chậm lại đáng kể trong tháng 10/2024.
Bộ Lao động Mỹ cho biết, số việc làm chỉ tăng 12.000 trong tháng 10/2024 do tác động của các cơn bão và các cuộc đình công. Trước đó, các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự báo mức tăng 113.000.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam lần đầu tiên chạm mốc 1 tỷ USD sau 27 tháng
Tháng 10/2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt mức trên 1 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, lần đầu tiên trở lại mốc này kể từ tháng 6/2022. Đây là dấu hiệu phục hồi quan trọng cho ngành thủy sản Việt Nam.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sự gia tăng nhập khẩu thủy sản tại các thị trường chính đã giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong tháng 10, đặc biệt là tại Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) với mức tăng 37%, đưa hai thị trường này trở thành điểm đến lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.
Bên cạnh đó, các thị trường khác cũng có sự tăng trưởng đáng chú ý. Xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 31%, Nhật Bản tăng 22%, EU tăng 27%, và Hàn Quốc tăng 13%.
Giá gạo Ấn Độ chạm mức thấp nhất 15 tháng
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tiếp tục giảm trong tuần này, xuống mức thấp nhất trong 15 tháng do đồng rupee giảm giá và nguồn cung tăng.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, được chào bán ở mức 442-449 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 20/7/2023 và giảm so với mức 450-484 USD/tấn của tuần trước. Gạo trắng 5% tấm được chào bán ở mức 449-455 USD/tấn.
Trong khi đó, theo các thương nhân ở Đồng bằng sông Cửu Long, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 520-525 USD/tấn, thấp hơn mức 532 USD/tấn của tuần trước. Một thương nhân cho biết các thương nhân đang chờ đợi quyết định của Bulog, dự kiến sẽ được công bố vào ngày 3/11.
Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tăng trưởng trở lại
Theo S&P Global, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) sản xuất Việt Nam đã tăng mạnh lên 51,2 điểm trong tháng 10, vượt lên ngưỡng 50 điểm sau khi chịu tình trạng gián đoạn do cơn bão Yagi gây ra trong tháng 9/2024. Các điều kiện kinh doanh đến nay đã mạnh lên suốt 6/7 tháng qua.
Tháng 9 vừa qua, cơn bão Yagi đã ảnh hưởng nặng nề lên ngành sản xuất của Việt Nam với mưa lớn và lũ lụt dẫn đến đóng cửa hoạt động kinh doanh tạm thời và sự chậm trễ ở các dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng. PMI ngành sản xuất Việt Nam giảm xuống từ 52,4 của tháng 8 xuống 47,3 điểm trong tháng 9.
Nhưng sang tháng 10, ngành sản xuất Việt Nam đã bắt đầu phục hồi với sản lượng và đơn hàng mới tăng trở lại cả về sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới. Tuy nhiên, tốc độ tăng của từng chỉ số này là chậm hơn so với những tháng trước tháng 9 khi một số công ty tiếp tục gặp phải tình trạng gián đoạn sau bão.