Việt Nam tắt sóng viễn thông 2G, doanh số smartphone tầm giá 5 triệu Đồng bùng nổ trong quý III
Quý III vừa rồi, sau khi mạng viễn thông thế hệ 2G được ngừng vận hành từ 0h ngày 16/10/2024, doanh số smartphone bình dân tăng vọt. Khi những chiếc điện thoại cục gạch không còn sử dụng được nữa, hàng triệu người dân Việt Nam đã buộc phải chuyển sang sử dụng smartphone, với những thiết bị kết nối 4G. Nhờ đó, trong tổng số smartphone bán ra tại thị trường nước ta trong quý III vừa rồi, phân khúc smartphone mức giá 5 triệu Đồng trở xuống chiếm tới 51%. Đó là thông tin thống kê thị trường từ đơn vị nghiên cứu Counterpoint Research.
Ở đó là phân khúc mà những hãng như Xiaomi, Oppo và Samsung ngự trị, với những sản phẩm như Samsung Galaxy M15, Oppo A38, Xiaomi Redmi Note 13 hay Oppo A3…
Để kích thích người tiêu dùng chuyển dịch từ mạng viễn thông 2G lên 4G hay thậm chí là 5G, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông như Viettel, FPT, VNPT hay Mobifone đã đưa ra những chương trình khuyến mãi và voucher giảm giá gói cước dữ liệu internet, đặc biệt là ở những khu vực hẻo lánh, với chất lượng phủ sóng kém.
Counterpoint gọi việc ngừng vận hành mạng viễn thông công nghệ 2G là một cột mốc: “Thị phần smartphone 4G tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng và đạt doanh số cao trong những tháng tới. Và những nhà sản xuất smartphone sẽ tìm cách để ”dọn kho" những chiếc smartphone 4G phân khúc bình dân."
Không chỉ ở phân khúc dưới 5 triệu Đồng, tức là 200 USD, mà dữ liệu của Counterpoint Research cho thấy 83% lượng smartphone bán ra thị trường trong quý III vừa rồi đều có giá dưới 600 USD, tức khoảng 15 triệu Đồng.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện giờ trong số 100 triệu người dân Việt Nam, gần như không còn ai sử dụng điện thoại “cục gạch” vận hành thông qua công nghệ viễn thông 2G. Con số này hồi tháng 1/2024 là khoảng 18 triệu thuê bao.
Bộ cho biết, ban đầu, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chuyển đổi thuê bao 2G lên 4G ở các vùng núi và các vùng nông thôn. Hầu hết những người gần sát thời điểm tắt sóng 2G mới chuyển đổi, theo bộ Thông tin và Truyền thông, là những người “không nhận thức được tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi sóng viễn thông.”
Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã phải sử dụng tới cả những cuộc gọi và tin nhắn để truyền bá thông tin, cũng như phải làm việc với cả chính quyền làng xã. Tháng 9, siêu bão Yagi cũng khiến quá trình chuyển đổ 2G lên 4G bị gián đoạn. Khi ấy, 1.8 triệu người vẫn dựa vào những thiết bị vận hành trên băng tần sóng viễn thông 2G.
Công nghệ viễn thông 2G lần đầu được giới thiệu vào năm 1991 ở Phần Lan. Gần nhất, Nhật Bản đã ngừng vận hành sóng 2G vào năm 2012, Singapore vào năm 2017. Bên Thái Lan, dù đã có kế hoạch dừng vận hành mạng viễn thông 2G, nhưng cũng mới chỉ có vài nhà mạng tắt sóng 2G, còn một vài nhà mạng như AIS thậm chí phải tới năm 2026 mới dừng cung cấp dịch vụ viễn thông 2G.